Động lực mới để phát triển văn hóa từ Hội thảo Văn hóa 2022: Đột phá vào ba vấn đề lớn

VHO- Ngày 17.12 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (Bắc Ninh), Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” chính thức khai mạc. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VHTTDL và tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức. 800 đại biểu tham dự trực tiếp tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc và trực tuyến tại một số điểm cầu, qua nền tảng Internet.

Động lực mới để phát triển văn hóa từ Hội thảo Văn hóa 2022: Đột phá vào ba vấn đề lớn - Anh 1
 

 Lễ hội Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng văn hóa truyền thống của dân tộc

Một năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hội thảo Văn hóa năm 2022 được kỳ vọng sẽ là diễn đàn quan trọng để đề xuất, hoàn thiện những vấn đề về thể chế, chính sách và nguồn lực, tạo động lực cho sự phát triển văn hóa trong thời gian tới. BTC cho biết, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm rất lớn không chỉ từ hệ thống chính trị, xã hội mà còn từ đông đảo người dân, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đánh giá trúng, đúng để huy động nguồn lực để phát triển văn hóa

Tại Hội thảo, Bộ VHTTDL sẽ có tham luận quan trọng về Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và huy động nguồn lực để phát triển văn hóa. Trong đó nhấn mạnh, định hướng xuyên suốt của Đảng đã khẳng định việc xây dựng, củng cố, hoàn thiện cơ sở pháp lý và thể chế cho văn hóa là tiền đề để việc kiến tạo môi trường vận hành thuận lợi, có khả năng phát huy tối đa sức mạnh nội sinh, gia tăng sức mạnh mềm văn hóa, từ đó làm cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần chủ đạo này đã được hiện thực hóa thông qua các kế hoạch hành động, các chiến lược và các chương trình phát triển văn hóa được triển khai ở nhiều cấp độ, với sự tham gia của nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các cá nhân.

Việc đánh giá toàn diện quá trình xây dựng, củng cố và hoàn thiện thể chế, chính sách và phát huy nguồn lực cho phát triển văn hóa ở nước ta trong suốt thời gian qua sẽ giúp ghi nhận những thành tựu và xác định những điểm “nghẽn”, từ đó nêu lên những yêu cầu chuyển đổi cần thiết nhằm đảm bảo đạt mục tiêu đang hướng tới. Khung chính sách đã tạo môi trường thể chế cho phép các ngành công nghiệp văn hóa khai thác, chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa. Đồng thời, cơ chế, chính sách đang từng bước góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện tài năng văn hóa, nghệ thuật và tôn vinh nhân tài cũng được thực hiện nhằm thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao cho văn hóa.

Bộ VHTTDL cũng nêu rõ, quá trình hoàn thiện thể chế đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản, di tích lịch sử, văn hóa. Việc chú trọng triển khai chủ đề năm trong ngành VHTTDL đã góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy giá trị và vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội. Việc đánh giá hiệu quả thể chế, chính sách đòi hỏi chúng ta cần tập trung khắc phục bất cập, tháo gỡ các điểm “nghẽn” trong thực thi thể chế thông qua xây dựng, hoàn thiện chính sách có khả năng tạo cơ chế để thúc đẩy phát triển văn hóa trong giai đoạn mới.

Từ góc độ kết nối, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước, nguồn lực doanh nghiệp và nguồn lực xã hội phục vụ phát triển văn hóa, PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, phát triển văn hóa cần đến cả nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài.Sức mạnh của nguồn lực cho phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới dựa trên cơ sở phát huy đầy đủ cả nguồn lực trong nước và nguồn lực quốc tế, nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, tất cả cùng kết nối, tạo nên sức mạnh tổng hợp”, theo PGS.TS Đoàn Minh Huấn.

Từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn độ chênh, vênh

PGS.TS Phạm Duy Đức, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đầu tư nguồn lực để phát triển văn hóa. Các nguồn lực này đóng vai trò trọng yếu để tạo nên động lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa ở tất cả các lĩnh vực, các thành tố và các hoạt động văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, từng bước phát huy được vai trò, sức mạnh của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo PGS.TS Phạm Duy Đức, việc nhìn lại quá trình ban hành chính sách và tổ chức thực hiện chính sách trong thực tiễn giúp chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm bổ ích để hoàn thiện chính sách phát triển văn hóa trong thời gian tới. Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương khóa XI (2014) đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó tiếp tục nhấn mạnh giải pháp “Tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa”. Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao”. Tổng Bí thư yêu cầu: “Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa. Trong quá trình đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, Nhà nước cần chú trọng đầu tư vào dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng để làm nòng cốt và dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội”.

Đồng thời, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: “Đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà. Bên cạnh việc tập trung nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, cần phải chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam hiện nay”.

Trên cơ sở triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng về tăng cường nguồn lực cho hoạt động văn hóa, Quốc hội và HĐND các cấp đã chú trọng nâng cao mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển văn hóa. Theo PGS.TS Phạm Duy Đức, nhìn một cách tổng quát, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với tăng cường đầu tư cho nguồn lực để phát triển văn hóa đã được nhận thức một cách toàn diện và sâu sắc, thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc tạo nên bước chuyển biến để phát triển văn hóa, con người trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. “Đây chính là tiền đề chính trị và pháp lý cơ bản để khơi dậy các nguồn lực để phát triển văn hóa và xây dựng con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn những khoảng cách, độ chênh, thậm chí mâu thuẫn cần khắc phục để tạo nên sự thống nhất, nâng cao hiệu quả thực tiễn của các chính sách này…”, PGS.TS Phạm Duy Đức khẳng định.

Trước hết, một số cấp ủy và chính quyền địa phương chưa nhận thức rõ vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước, chưa thấy rõ đầu tư nguồn lực cho phát triển văn hóa là đầu tư để phát triển bền vững. Việc bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu đầu tư và sử dụng nguồn lực cho văn hóa còn bất cập. Việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành luật pháp và chính sách còn chậm. Một số chính sách ban hành rồi nhưng khó khả thi hoặc không phù hợp so với thực tiễn. Công tác bố trí ngân sách cho văn hóa còn hạn chế. Một số nơi sử dụng chưa hiệu quả, thậm chí lãng phí. Cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực từ xã hội cho phát triển văn hóa còn chưa đồng bộ và chưa thống nhất. Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực thi chính sách từ trung ương đến cơ sở còn hạn chế…

Từ những phân tích trên, PGS.TS Phạm Duy Đức nêu những kiến nghị nhằm tăng cường đầu tư nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Theo ông, các giải pháp cơ bản có quan hệ mật thiết với nhau để đảm bảo sự thống nhất đồng bộ giữa chính sách và thực tiễn trong phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển con người trong thời kỳ mới, góp phần quan trọng vào việc phát huy giá trị văn hóa và con người trong xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Động lực mới để phát triển văn hóa từ Hội thảo Văn hóa 2022: Đột phá vào ba vấn đề lớn - Anh 2

 Trình diễn dân ca Quan họ

Tạo nhân tố đột phá cho sự phát triển văn hóa

Trưởng BTC Hội thảo Văn hóa năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ, Hội thảo được tổ chức vào một thời điểm rất có ý nghĩa, khi cả nước đang nỗ lực triển khai phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, hội thảo là dịp để chúng ta củng cố quyết tâm, có thêm hành động cụ thể, đưa ra giải pháp phù hợp hơn với bối cảnh mới.

BTC Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2022 cho biết, có nhiều kỳ vọng đặt ra với diễn đàn này, góp phần đẩy mạnh thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật cụ thể và triển khai các nguồn lực một cách thiết thực, hiệu quả, từ đó xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển bền vững đất nước. Mục tiêu lớn nhất của Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2022 là hướng đến tháo gỡ những điểm “nghẽn” trong phát triển văn hóa. “Thể chế, chính sách và nguồn lực là 3 vấn đề lớn trong phát triển văn hóa, tuy nhiên trên thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Nếu nghiên cứu một cách thỏa đáng, sâu sắc, toàn diện và giải quyết được các vấn đề thì sẽ khơi thông được những nguồn lực, tạo được môi trường tốt hơn để văn hóa phát triển”, ông Nguyễn Đắc Vinh khẳng định.

Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng, 3 vấn đề lớn này cũng có thể xem là những nhân tố mang tính đột phá nhằm tạo ra động lực mới cho phát triển văn hóa. Khi có được những giải pháp phù hợp, chẳng hạn như những thể chế, chính sách luật pháp trong các lĩnh vực như di sản, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, công nghiệp văn hóa..., chắc chắn sẽ tạo cơ hội tốt hơn để phát triển mạnh mẽ những lĩnh vực quan trọng này. 

 … Một số cấp ủy và chính quyền địa phương chưa nhận thức rõ vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước, chưa thấy rõ đầu tư nguồn lực cho phát triển văn hóa là đầu tư để phát triển bền vững. Việc bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu đầu tư và sử dụng nguồn lực cho văn hóa còn bất cập. Việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành luật pháp và chính sách còn chậm.

Một số chính sách ban hành rồi nhưng khó khả thi hoặc không phù hợp so với thực tiễn. Công tác bố trí ngân sách cho văn hóa còn hạn chế. Một số nơi sử dụng chưa hiệu quả, thậm chí lãng phí...

(PGS.TS PHẠM DUY ĐỨC, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

 

 PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc